Chỉ trong một thời gian ngắn, có hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị lừa đảo, cuộc sống đẩy đến đường cùng khi mất trắng tài sản, gia đình tan vỡ. Họ là những nạn nhân khi dính vào "bánh vẽ" của các đối tượng huy động vốn trả lãi suất cao.
Các vụ lừa đảo bằng hình thức huy động vốn trả lãi suất cao, các đối tượng thường áp dụng thủ đoạn cũ, mà cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhiều lần. Phần lớn bị hại đều có mối quan hệ quen biết, thân thiết với các đối tượng nên không ngần ngại cho vay số tiền lớn khi đã tạo được lòng tin.
Như vụ án mà chúng tôi vừa đề cập trong bài viết trước, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ 2 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 1988), trú tại phường Nam Lý và Lê Thị Thanh Thủy (SN 1987), ở phường Đồng Hải, TP.Đồng Hới, Quảng Bình.
Hai đối tượng Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy tại cơ quan điều tra.Khi biết Hoàng Thị Ngọc Thuý và Lê Thị Thanh Thuỷ tuyên bố vỡ nợ và bỏ trốn, hàng trăm người dân ở địa bàn TP.Đồng Hới lo lắng, hoang mang vì nhiều người đã gom góp tài sản, vay mượn để đưa tiền cho 2 đối tượng này.
Quá trình thu thập thông tin, tài liệu, cơ quan Công an xác định 2 đối tượng Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy đã nhận tiền của nhiều người khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. Số tiền này ngoài mục đích sử dụng cá nhân thì 2 đối tượng này đã chuyển cho một số người khác để cho vay lấy lãi suất cao.
Vụ lừa đảo bằng cách huy động vốn của Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy xảy ra ở TP Đồng Hới đang được Công an Quảng Bình điều tra thì tiếp tục tại thị xã Ba Đồn, người dân lại lao đao, rúng động khi Nguyễn Thị Lài (SN 1995), trú thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình bỗng rời khỏi địa bàn, trốn biệt tích.
Nguyễn Thị Lài đã sử dụng hình thức vay mượn cá nhân để huy động hàng chục tỷ đồng của người dân trên địa bàn các xã Quảng Trung, Quảng Tiên và một số địa phương lân cận quanh khu vực thị xã Ba Đồn rồi bỏ trốn.
Bằng thủ đoạn lời hứa trả lãi suất cao, Lài dễ dàng thuyết phục được nhiều người giao tiền cho mình trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi "gom" được số tiền lớn ước tính hàng chục tỷ đồng, Lài đã bỏ trốn khỏi địa phương khiến làng quê nghèo nháo nhác, nhiều nạn nhân trong cảnh điêu đứng vì nguy cơ mất tài sản.
Bà Đinh Thị Thức, ở thôn Công Hòa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn cho biết lấy lý do cần vay tiền cho em gái mình đi xuất khẩu lao động ở Úc, Nguyễn Thị Lài đã vay của bà Thức tổng cộng 4 lần với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng qua hình thức viết giấy cho vay tiền (ký, điểm chỉ và người làm chứng) vào ngày 12/6/2023. Trên giấy, Lài cam kết sẽ trả cho bà Thức trước tháng 2/2024.
Tương tự, trường hợp bà Nguyễn Thị Thế, ở thôn Công Hòa, xã Quảng Trung cũng cho Nguyễn Thị Lài vay 4 lần với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng trong năm 2023 và Lài cũng cam kết trả khi bà Thế cần… thế nhưng giờ Lài bỏ trốn.
Tại địa bàn huyện Quảng Ninh, khi cơ quan Công an bắt giữ Nguyễn Thị Lành (SN 1997), trú tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, nhiều người dân trên địa bàn cũng khóc hết nước mắt và rơi vào cảnh lao đao khi hàng chục người đã bị đối tượng lừa đảo trên 50 tỷ đồng.
Đối tượng Nguyễn Thị Lành thời điểm bị bắt giữ.Nguyễn Thị Lành sử dụng mạng internet truy cập vào website đánh bạc, sử dụng tiền của gia đình mua điểm để thực hiện hành vi đánh bạc. Do thua bạc nên Lành dùng thủ đoạn kêu gọi nhiều người góp vốn đầu tư mua đất sinh lợi nhuận để có tiền tiếp tục đánh bạc.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lành đã làm giả các văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, tự soạn thảo các tin nhắn trao đổi với những người có uy tín, lãnh đạo đang làm việc tại quỹ đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như ngân hàng nhằm mục đích tạo lòng tin để các bị hại chuyển tiền.
Sau khi nhận được tiền từ các bị hại, Lành sử dụng một phần để trả lãi cho những người góp vốn đầu tư, phần còn lại sử dụng để mua điểm đánh bạc. Tuy nhiên, càng tham gia đánh bạc online thì càng thua, đến khi không còn khả năng chi trả, Lành tuyên bố vỡ nợ.
Có thể thấy, các đối tượng phạm tội vẫn luôn dùng thủ đoạn cũ là huy động vốn trả lãi suất cao để "nhử" người khác. Song hiện nay, các đối tượng thay đổi từ thân nhân đến cách thức trong quá trình phạm tội lừa đảo. Nhiều đối tượng lừa đảo khi phạm tội đang làm việc ở các ngân hàng, hoặc sở, ngành, địa phương, có nhiều mối quan hệ, đi đứng, ăn nói chỉn chu. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng huy động được rất nhiều người mắc lừa.
Thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết, thủ đoạn của đối tượng là hứa, hoặc giai đoạn đầu là trả lãi suất rất cao. Nhiều bị hại ngoài dùng tiền của mình còn đi huy động vốn của các bạn bè nhằm kiếm một phần chênh lệch, từ đó tạo ra một hiệu ứng, một chuỗi cho vay lãi nặng. Thủ đoạn của các đối tượng trong vụ án này không mới, song vẫn có nhiều người sập bẫy.
Tất cả các vụ mà Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quảng Bình đang thụ lý thì những người cho vay gần như chưa thu hồi lại được vốn. Chúng tôi muốn cảnh báo việc cho vay lãi nặng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Những người cho vay ở các cấp độ sẽ đứng trước hai nguy cơ mất tiền và bị xử lý hình sự.